Người đăng: ESAT Admin 141 lượt xem 18:15 02/07/2023

Phân biệt Wi-Fi Mesh, Repeater, Roaming

Chắc hẳn anh em đã từng nghe đến những khái niệm như Repeater, Mesh, Roaming hay AP trong kết nối Wi-Fi. Mình tổng hợp lại một số thông tin để chia sẻ đến anh em đặc điểm của từng khái niệm này, từ đó để anh em không bị nhầm lẫn do bản chất vốn đã khác nhau nhưng lại có những mối liên hệ nhất định.

Wi-Fi Repeater


Theo tên gọi, Wi-Fi Repeater làm nhiệm vụ bắt sóng Wi-Fi từ một điểm truy cập, sau đó thiết bị này thu nhận tín hiệu và chuyển đến các thiết bị sử dụng tại khu vực được phủ sóng. Như vậy, Repeater không phải hoạt động theo cách kích sóng như việc tăng công suất phát của ăn-ten Wi-Fi nên anh em có thể dễ nhầm lẫn tên gọi và cách hoạt động.

Một số nhà sản xuất gọi những thiết bị Repeater của họ là Wi-Fi Range Extender: mở rộng sóng Wi-Fi. Bên cạnh chức năng Wi-Fi Repeater, những thiết bị này còn có thể chuyển thành chế độ điểm truy cập (Access Point) với tín hiệu mạng từ cáp LAN.

Về cơ bản, Wi-Fi Repeater vẫn phù hợp cho nhu cầu sử dụng với số lượng thiết bị ít trong không gian nhỏ với chi phí hợp lý. Giả sử anh em ở không gian chung cư nhưng vị trí router Wi-Fi tổng bị chắn khoảng 2 lớp tường thì việc sử dụng thêm một Wi-Fi Repeater sẽ cải thiện được tín hiệu mạng.
 

Hạn chế của Repeater so với Wi-Fi Mesh

  • Repeater đóng vai trò như một thiết bị sử dụng mạng (client), tương tự như smartphone hay PC. Tức là nó cần kết nối đến Wi-Fi Access Point để xác thực thông tin (nhập password này nọ các kiểu), lấy IP được cấp từ DHCP của Router bên trên nữa. Từ đó, Repeater tiếp nối tín hiệu đến các thiết bị sử dụng cần mở rộng.
  • Repeater không thể làm tính năng định tuyến (Router), mặc dù nó có thể đóng vai trò làm Access Point nếu nhà sản xuất trang bị thêm.
  • Repeater thông thường không thể thay đổi được password của tên Wi-Fi mở rộng, cho dù có thể thiết lập khác tên gọi SSID với Wi-Fi được bắt.


 

Wi-Fi Mesh System


Mesh dịch ra là lưới. Wi-Fi Mesh System trong mô mình mạng dân dụng hiện nay là hệ thống các thiết bị có kết nối Wi-Fi đồng bộ với nhau để tạo thành một mạng có cùng tên gọi và khả năng chuyển tín hiệu liền mạch (roaming) mà mình sẽ nói ở phần dưới.

Trước khi có sự xuất hiện của Wi-Fi Mesh System dân dụng, những hệ thống Wi-Fi AP System (Access Point) được xem là lựa chọn cho môi trường văn phòng, doanh nghiệp ở đủ các quy mô khi nó được điều phối bởi những hệ thống bên trên là Router, Switch Managed kết nối từ dây LAN.

4145381_tinhte_tren_tay_netgear_orbi_rbr50_9.jpg
 

Tại sao Wi-Fi Mesh System lại ra đời? Nó giúp ích gì cho người dùng phổ thông?

  • Một hệ thống Wi-Fi Mesh System được đơn giản hoá bằng kết nối Wi-Fi giữa các thiết bị có cùng thiết kế form-factor. Từ đó Wi-Fi Mesh dân dụng dễ dàng triển khai cho môi trường hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ.
  • Các nhà sản xuất thiết bị Mesh tạo ra firmware, ứng dụng để giúp người dùng cơ bản thiết lập mạng rất nhanh chóng. Anh em tham khảo một số bài viết của một số hệ thống bên dưới để thấy sự đơn giản trong việc thiết lập như thế nào.
  • Từ đó, việc quản lý và theo dõi một hệ thống Wi-Fi Mesh dân dụng đơn giản hơn so với một hệ thống Wi-Fi AP System chuyên dụng. Các nhà sản xuất còn tích hợp hệ thống bảo vệ nhằm giới hạn truy cập của từng máy, nội dung truy cập… Tất cả những thao tác này có thể được thiết lập từ trên ứng dụng di động.


Wi-Fi_Mesh_Access-Point.jpg

Điểm khác biệt dễ nhận ra giữa Mesh và hệ thống Wi-Fi AP System (Access Point) là gì?

  • Các hệ thống Mesh dân dụng của từng nhà sản xuất có thể thiết lập linh hoạt, chẳng hạn như có thể tạo ra được 2 hệ thống mạng độc lập từ 5 thiết bị có chung thiết kế. Mỗi thiết bị còn có thể đóng vai trò là một router độc lập, như trường hợp này là phục vụ tới 5 đường truyền riêng biệt. Tất nhiên có một số nhà sản xuất như Netgear họ lại phân biệt thiết bị Router (chính) và Satellite (node phụ).
  • Việc đơn giản hoá của một hệ thống Wi-Fi Mesh dân dụng giúp đơn giản thiết lập, tối ưu chi phí so với một hệ thống Wi-Fi AP System. Bản chất Wi-Fi AP System cần hoạt động tối ưu với những thiết bị bổ trợ thêm như Router tổng, Switch, kết nối các thiết bị với nhau bằng dây.

 

Sự khác biệt của Wi-Fi Mesh và Repeater


Theo những đặc tính ở trên, Wi-Fi Mesh có thể đóng vai trò là một router để định tuyến dữ liệu trong mạng, cho dù nó đóng vai trò là thiết bị nhánh (node). Sóng Wi-Fi thực tế đã bị hạn chế bởi băng thông so với dây dẫn, vì vậy một thiết bị Mesh được thiết kế để tạo ra một đường tín hiệu riêng biệt (uplink) đến một thiết bị khác trong hệ thống Mesh.

Giả sử một Repeater giá 200k sử dụng Wi-Fi 2.4 GHz chỉ có 1 luồng Wi-Fi phục vụ theo mô hình: Wi-Fi cần bắt sóng ← → Repeater ←→ thiết bị sử dụng thì ‘một’ thiết bị Mesh giá 2 triệu đồng có thể chứa đến 3 luồng Wi-Fi: luồng 2.4 GHz & 5 GHz cho thiết bị sử dụng, và 1 luồng 5 GHz chỉ để lấy tín hiệu internet hay dữ liệu nội bộ từ node khác. Có thể thấy vai trò của luồng tín hiệu này không khác gì cổng Uplink trên Switch cả.

Ethernet_Backhaul.jpg

Trong hệ thống Wi-Fi Mesh System, anh em có thể nghe thêm khái niệm LAN Backhaul. Một số nhà sản xuất họ tạo ra firmware có thêm tính năng là LAN Backhaul. Thực chất đây là cách sử dụng đường uplink bằng cổng LAN thay cho Wireless-LAN để ưu tiên tài nguyên mạng đến các thiết bị sử dụng. Ngoài ra, trong trường hợp đường LAN Backhaul bị sự cố, thiết bị vệ tinh Mesh có thể kết nối lại bằng Wireless-LAN đến node gần nhất nếu nó có thể bắt được tín hiệu. Một số nhà sản xuất còn sử dụng đường dây diện (Powerline) để làm tín hiệu được chuyển đổi từ mạng như TP-Link Deco P7, HUAWEI Q2 hay Xiaomi Mi Router Mesh.

M5-Plus_EU_1.0_05_large_1518484024301k.jpg

Hệ thống Mesh Netgear Orbi RBK50 gồm hai thiết bị Router & Satellite

Đa phần những hệ thống Wi-Fi Mesh System giá thấp có đường uplink không dây chung với băng tần 5 GHz với các client, được gọi là Dual Band. Trong khi những hệ thống Wi-Fi Mesh giá thành cao hơn có đến 3 băng (Tri Band). Trong môi trường sử dụng gia đình, nếu có khoảng dưới 10 thiết bị sử dụng cao hay 25 kết nối cùng lúc thì hệ thống Wi-Fi Mesh System có thể đáp ứng tốt. Nếu bạn có một đường truyền trên 400 Mbps thì một hệ thống Wi-Fi Mesh Tri Band thực sự đáng đầu tư để tối ưu đường truyền đã đăng ký.
 

Roaming


Roaming là chuyển vùng. Hiểu đơn giản một thiết bị sử dụng một hệ thống mạng có nhiều tên Wi-Fi giống nhau thì sẽ có trải nghiệm sử dụng liền mạch, ít bị hiện tượng rớt mạng khi đang di chuyển trong khu vực đó. Như vậy khái niệm Roaming bản chất không giống với hai khái niệm trên, nhưng lại có mối liên hệ với nhau, đặc biệt là Mesh.

Ứng dụng của roaming dễ nhận ra ở thực tế chính là sử dụng mạng di động trên diện rộng. Điện thoại được kết nối với các trạm BTS, và khi đàm thoại và di chuyển liên thông thì hiếm khi bị rớt mạng. Tất nhiên trong một số trường hợp anh em sẽ gặp hiện hiện bị rớt sóng: đó là khi thiết bị nằm ở vùng chuyển sóng không ổn định, và nó chưa thể kết nối đến BTS khác mạnh hơn.

[​IMG]
Ảnh: wifiadviser

Nếu các hệ thống Wi-Fi Mesh dân dụng hiện nay đều hỗ trợ Roaming thì không hẳn các thiết bị cuối đều hỗ trợ. Điển hình là những thiết bị IoT như bóng đèn, ổ cắm… thường không hỗ trợ. Giả sử trong một môi trường mạng Mesh dạng lưới tam giác 1-3&2 thì nếu khi node 2 (vốn sóng mạnh hơn) bị ngắt kết nối thì các thiết bị IoT ngay lập tức kết nối đến node 3. Nhưng khi node 2 có tín hiệu trở lại thì các thiết bị này lại không tự roaming về node 2 mà vẫn kết nối đến node 3. Lúc này anh em cần phải khởi động lại hệ thống, hoặc tìm ra cách để ép các thiết bị này kết nối đến node 2.

Thật may là các mẫu điện thoại hay laptop hiện nay đều hỗ trợ Roaming. Nó có những tiêu chuẩn như 802.11k, 802.11r, 802.11v; mình không tìm hiểu kỹ nhưng có tài liệu từ trang hỗ trợ của Apple, anh em đọc thử nếu muốn tìm hiểu thêm.

Netgear_EX6400.jpg
Repeater giá này thì 99% anh em không lựa chọn đâu!!!

Với Repeater, các thiết bị giá tầm 200k chắc chắn nó sẽ không được hỗ trợ roaming. Một vài nhà sản xuất như Netgear họ có ghi rõ thiết bị Repeater (Netgear gọi là Wi-Fi Range Extender) có hỗ trợ Roaming hay không, hoặc điều kiện để sử dụng trong mục hỗ trợ. Tuy vậy, những thiết bị Repeater phân khúc tầm trung và cao như vậy thì mức giá lại không hề rẻ. Vậy họ tạo ra những thiết bị đó làm gì? Đó là việc những thiết bị cần sử dụng internet cần băng thông cao như NAS mà lại không có điều kiện đi dây LAN để kết nối internet, trong khi mạng nội bộ sẽ tận dụng băng thông của Wi-Fi hoặc cổng Ethernet của Repeater.

Nguồn sưu tầm: https://tinhte.vn/